Thưởng thức 6 đặc sản vùng Cao Bằng
Không chỉ là nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hoang sơ và hùng vĩ, Cao Bằng còn có rất nhiều đặc sản hấp dẫn nghe tên vừa lạ lại vừa quen. Đến đây du khách thể dễ dàng thưởng thức được ẩm thực đặc trưng của vùng miền ở bất cứ nhà hàng hay quán ăn nào. Cùng tìm hiểu xem Cao Bằng có đặc sản gì nhé!
Xem thêm:
Những món ngon đặc sản thưởng thức ngay ở Cao Bằng?
1. Phở chua: Phở chua không chỉ là món ăn đặc sản của Cao Bằng mà còn được liệt vào danh sách những món ăn nổi tiếng tại Việt Nam. Món phở này là món ăn nguội và được yêu thích nhất vào mùa thu và mùa hè.
Ngay từ bước đầu chọn nguyên liệu, người dân nơi đây đã rất kỳ công. Các nguyên liệu được chọn đều là những thứ đặc trưng mà chỉ có riêng ở mảnh đất Cao Bằng. Khâu chế biến cũng hết sức cầu kỳ, kiểu cách. Các nguyên liệu được đem đi sơ chế rồi chiên giòn, bánh phở cũng phải lựa từ loại phở làm từ gạo Cao Bằng ngọt dẻo, cho độ dai ngon khó lẫn với các loại bánh phở khác. Ngoài ra các loại phụ gia như rau thơm, húng, mùi, đậu phộng, dưa chuột cũng là những loại tươi ngon nhất.
Thứ làm nên sự khác biệt của món phở chua đó chính là nước sốt đậm đà của nó. Chế biến nước sốt không quá mất thời gian nhưng cũng phải trải qua nhiều công đoạn nhỏ. Các gia vị được hòa quyện với nhau khi trộn lên cùng bánh phở sẽ làm dậy lên mùi thơm và màu sắc bắt mắt khiến du khách ứa nước miếng.
Phở chua Cao Bằng có mùi thơm của thịt vịt quay kết hợp với các loại rau thơm, vị béo ngậy của mỡ vịt, vị chua của dấm làm kích thích cảm giác thèm ăn. Tùy khẩu vị của mỗi người mà có thể bỏ thêm các loại gia vị như ớt, tiêu hay măng muối chua…
2. Vịt quay 7 vị: Cái tên là vịt quay 7 vị xuất phát từ việc món ăn này được ướp bằng 7 thứ gia vị khác nhau của núi rừng. Các loại gia vị này được lấy từ các loại cây rừng mà chỉ Cao Bằng mới có, chính vì thế các nơi khác muốn làm theo cũng không cho ra được hương vị như ở trên Cao Bằng.
Vịt được lựa làm món ăn này phải là vịt non và không phải vịt đực. Các loại gia vị sẽ được làm sạch và nhồi vào bụng vịt để tẩm ướp. Sau khi quay xong da vịt sẽ cho màu sắc vàng rộm tựa như màu cánh gián. Thịt vịt non thơm mềm, không dai cũng không bở, có mùi thơm của các loại gia vị trộn lẫn với nhau. Lúc mới ăn sẽ cho vị ngọt béo của mật ong, sau sẽ thấy vị đăng đắng của các loại gia vị từ trong bụng vịt và cuối cùng đọng lại là vị ngọt trong từng thớ thịt.
3. Rau dạ hiến: Đây là một loại rau rừng mọc hoang dại nhưng lại không phải đâu cũng có thể thấy. Chính vì thế loại rau này đã trở thành thứ rau quý hiếm, đặc sản của vùng núi cao này. Rau dạ hiến hay còn gọi là rau bồ khai, sống dựa vào các cây thân gỗ và vươn lên đón ánh nắng mặt trời. Rau dạ hiến thường xuất hiện vào khoảng tháng 2 đến tháng 7, cứ đến độ này là người dân lại lên rừng hái về.
Rau dạ hiến đem về chỉ cần chế biến thành món ăn đơn giản, dân dã giống như món rau muống xào là cũng đủ để làm dậy lên hương vị núi rừng, hấp dẫn du khách. Món ăn này tuy nhìn đơn giản nhưng khi ăn lại cho vị béo ngậy, thơm thơm rất riêng. Rau dạ hiến còn có công dụng như một loại thuốc bổ, chính vì thế được người dân nơi đây sử dụng rất nhiều vào ngày lễ hay cỗ tiệc.
4. Bánh Coóng Phù: Bánh Coóng Phù là một loại bánh trôi của người dân Cao Bằng. Các nguyên liệu để làm bánh đều là những thứ đặc trưng riêng của mảnh đất này chính vì thế mà hương vị của bánh Coóng Phù cũng rất khác so với bánh trôi ở dưới miền xuôi.
Người dân Cao Bằng rất hay làm món bánh này để ăn và để cúng tổ tiên. Món ăn này rất thơm, bùi, nếu được thưởng thức vào cái thời tiết thu se lạnh thì sẽ cảm thấy rất ấm áp. Làm bánh Coóng Phù rất mất thời gian trong khâu sơ chế bột nhưng các khâu khác lại rất dễ. Khác với bánh trôi, bánh Coóng Phù ở đây được làm với rất nhiều màu sắc bắt mắt, nước canh được làm từ mật mía nên rất ngọt thơm.
5. Cá chiên sông Gâm: Đây là một loại cá đặc trưng của Cao Bằng, thường sống ở những hang ngầm dưới sông. Loại cá này có con rất to, trọng lượng có thể lên tới vài kilogram. Cá chiên sông Gâm được đánh giá là ngon nhất để làm chả cá, lòng cá cũng được những người sành ăn đánh giá là thứ sản vật ngon nhất trên đời.
Cá chiên sông Gâm rất khó đánh bắt, người dân nơi đây thường phải dựng lều để canh ngày đêm mới có thể săn được nó.
6. Cá trầm hương: Đây là loại cá đặc trưng của Bản Giốc, thường sống ngay dưới chân thác nên người dân dễ dàng đánh bắt được. Điều đặc biệt là loại cá này thường ăn các loại rễ cây của cây trầm hương nên thịt rất thơm ngon và bổ dưỡng.
Cá trầm hương mới bắt đem nướng là ngon nhất bởi sự kết hợp giữa các loại gia vị của rừng núi sẽ làm dậy lên mùi vị đặc trưng của cá. Thịt cá thơm ngon, chắc thịt vẫn còn giữ nguyên được mùi vị sông nước, khi ăn thấy thoang thoảng mùi trầm. Cá trầm hương nướng đem chấm với nước chấm thơm ngon càng hấp dẫn hơn.
Mua đặc sản gì về làm quà?
Hạt dẻ Trùng Khánh: Nhờ những đặc điểm về thổ nhưỡng và thời tiết nơi đây mà huyện Trùng Khánh có thể dễ dàng trồng được rất nhiều dạt dẻ. Những cây hạt dẻ nơi đây thường cho củ rất to, vỏ mỏng và có nhiều lông tơ nhỏ, nhân bên trong rất thơm, bùi.
Hạt dẻ có thể chế biến theo nhiều kiểu cách khác nhau tùy sở thích, có thể đem luộc, nướng bằng lò nướng hay đem đi ninh với chân giò. Hạt dẻ là loại đồ ăn thơm ngon được nhiều du khách yêu thích bởi mùi vị hấp dẫn của nó. Khi ăn cũng có thể cảm nhận được hương vị của núi rừng chứa đựng trong nó.
Miến dong đen: Với sự khéo léo của của người dân vùng cao, họ đã chế biến ra loại miến dong đặc trưng, giòn thơm, hoàn toàn thủ công và không xử lý qua hóa chất. Du khách đến đây có thể mua những bó miến dong đen về nấu ăn dần, làm quà cho bạn bè và người thân.
Bánh khảo: Bánh khảo là loại bánh đặc trưng vào ngày lễ tết của dân tộc Tày Nùng vùng Cao Bằng. Món bánh này được coi như là thứ lương thực của người dân nơi đây bởi tính chất có thể để lâu, không ỉu, không mốc.
Vào dịp tết người dân nơi đây thường làm bánh khảo để cúng tổ tiên. Bánh được làm thủ công từ những nông sản của núi rừng dưới bàn tay tài nghệ của nghệ nhân. Thưởng thức món bánh khảo thơm bùi cùng với một tách trà nóng sẽ rất tuyệt vời.
Bánh chè lam: Đây là loại bánh cổ truyền ở nơi đây, được làm từ gạo nếp rang, lạc rang, gừng và mạch nha. Bánh có độ dẻo của gạo nếp, vị ngọt của mật ong, bùi bùi của lạc rang và chút cay của gừng. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một hương vị đặc trưng khó quên của loại bánh này.