Email: sales@sacblanc.com

Du lịch trong nước

Những lễ hội du xuân đầu năm nổi tiếng tại miền Trung – Phần 2


Bài viết về Những lễ hội đầu xuân của các tỉnh miền Trung trong phần 1, Du lịch Chào Việt Nam đã giới thiệu đến du khách những thông tin thú vị về các lễ hội đầu xuân năm mới các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Để tiếp tục, trong bài viết này, chúng tôi xin gửi đến du khách những lễ hội ở các tỉnh thuộc Tây Nguyên như: Lâm Đồng, Kon Tum, Đăk Lăk,….

Xem thêm:

Những lễ hội du xuân đầu năm nổi tiếng tại miền Trung – Phần 1

Tour du lịch Huế 1 ngày

Tour du lịch Quảng Bình

Lễ cúng thần Bơmung - Lâm Đồng

Lễ cúng thần Bơmung diễn ra hàng năm vào tháng 2 âm lịch, lễ hội thông thường diễn ra trong 3 ngày, đây là lễ hội truyền thống của người Churu sinh sống tại Lâm Đồng. Nếu có dịp du xuân Lâm Đồng vào thời gian này, du khách sẽ được tham gia nhiều hoạt động thú vị của lễ hội.

Lễ hội Churu hiện vẫn còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống qua các nghi lễ nông nghiệp như: cúng thần nước, cúng thần lúa khi gieo hạt, cúng mừng lúa mới, cúng sau mùa gặt... Từ lúc sáng sớm, đồng bào đã tụ tập đông đảo trước sân đình (Bơ mung) trong không khí nghiêm trang, thành kính, người dân xếp thành hai hàng nam – nữ riêng biệt. Kết thúc nghi thức cúng thần, thầy cúng sẽ giao cho mỗi bên một cặp gà để làm cỗ, mục đích của lễ cúng là tạ ơn Giàng (một vị thần linh), cầu mong Giàng phù hộ cho mùa màng tươi tốt, người dân buôn làng khỏe mạnh, đoàn kết và yêu thương nhau.

Vật phẩm tế lễ đều là người dân trong buôn tự nguyện đóng góp: gà, vịt, trái cây... ai có gì thì cúng nấy mà không phải chịu ràng buộc nào. Đến với Lâm Đồng tham gia lễ hội Bơmung, du khách không chỉ được tham gia vào các hoạt động thú vị, các nghi lễ đặc sắc mà còn có thể thăm quan những danh lam thắng cảnh tại Lâm Đồng.

Lễ cúng Thần Suối - Lâm Đồng

Đà Lạt là một trong những điểm du lịch thu hút du khách cả trong nước và quốc tế bởi khí hậu tuyệt vời, danh lam thắng cảnh xinh đẹp, hơn nữa nếu đi du lịch Đà Lạt vào khoảng thời gian đầu năm du khách còn có cơ hội tham gia vào những lễ hội truyền thống đặc sắc ở đây, đặc biệt là lễ hội Thần Suối.

Lễ hội Thần Suối được tổ chức vào khoảng tháng 3 hàng nămsau khi thu hoạch vụ mùa và Lễ mừng lúa mới. Mục đích của lễ hội là  tạ ơn thần nước và cầu mong thần phù hộ một năm mới bình an, mưa thuận gió hòa. Sau thời điểm thu hoạch vụ mùa, người dân tiến hành chọn ngày tốt dọn dẹp sạch sẽ ruộng đồng, suối mương để làm lễ cúng các vị thần linh: Thần đất, thần nước, thần núi, tổ tiên. Các vật phẩm đem tế lễ gồm mâm đồ cúng có thịt lợn, gà và quan trọng nhất là một chậu tiết pha loãng – mục đích làm thủ tục cúng xong ở Suối thì đoàn người sẽ theo chủ lễ đến cầu thang từng nhà, hát cầu cúng, rước tiết để cầu may cho gia chủ.

Ngày hôm diễn ra lễ tế, không khí vừa trang nghiêm, vừa náo nhiệt, xung quanh dòng suối nơi chỗ chuẩn bị cúngđược trang hoàng với cổng chào bằng lá cây, cỏ lá dài, có treo đồ vật trang trí, có dựng cả trụ trang trí dạng như cây nêu của người Kinh.

Lễ hội không chỉ là một dịp để người dân làm lễ tạ ơn các vị thần, cầu mong một mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa mà còn là dịp để người dân tổ tụ tập giao lưu: ăn tiệc, uống rượu, cùng nhau ca hát,…

Lễ hội mừng năm mới Đinh NơNa sơ năm nêo - Kon Tum

Lễ hội mừng năm mới Đinh NơNa sơ năm nêo của người Tơ Đrá diễn ra hàng năm vào khoảng cuối tháng 12 dương lịch khi đã thu hoạch xong lúa và hoa màu. Đây là một lễ hội lớn của người dân nhằm tổng kết lại thu hoạch sau một mùa rẫy, đồng thời cũng nhằm tạ ơn các Giàng đã cho mùa màng bội thu. Lễ hội được tổ chức linh đình trong vòng 3 ngày 3 đêm với nhiều nghi lễ truyền thống và các hoạt động đặc sắc.

Để chuẩn bị cho lễ mừng năm mới, các già làng tập trung tất cả các chủ hộ trong làng tại nhà Rông trước đó một tuần hoặc hơn để thông báo về thời gian và kế hoạch tổ chức lễ hội. Mỗi gia đình trong làng đều cắt cử phân chia công việc giữa các thành viên để tổ chức lễ hội: đàn bà ủ rượu cần, đi lấy củi, hái rau rừng, chặt ống nứa đựng rượu, dọn nhà, giã gạo; đàn ông thì vào rừng săn bắn,… Mọi người bắt tay vào công việc dọn dẹp, trang trí cho ngôi nhà, mời anh em bạn bè gần xa về tham gia, chuẩn bị quần áo, váy vóc thật đẹp. Không khí lễ hội vì vậy đã náo nhiệt và vui vẻ từ nhiều ngày trước đó.

Sáng ngày đầu tiên của lễ hội, tất cả gia đình đều nổi lửa giết heo, dê, gà… để tế thần linh, tạ ơn thần linh đã phù hộ suốt một năm qua và cầu mong cho một năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu, mưa gió thuận hòa. Lễ tế thần linh bao gồm nhiều nghi lễ, từ việc chia thịt lễ thần, dâng rượu, cúng bái đều mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tơ Đrá. Trong dịp này các gia đình có thể tổ chức làm lễ cà răng cho con cái của họ khi đã đến tuổi trưởng thành ( khoảng 16-17 tuổi) và tổ chức mai mối hoặc cưới xin cho con cái của họ khi đã trưởng thành. Sau khi lễ tế kết thúc, những ngày sau đó người dân uống rượu cho vui vẻ, mọi người tập trung tại nhà Rông đánh bài vào ban đêm, tham gia giao lưu văn nghệ, ăn uống,… tình cảm làng xóm láng giềng vì thế mà càng thêm thấm đượm.

Lễ hội đua voi - Đăk Lăk

Lễ hội đua voi là một trong những lễ hội đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tại Đăk Lăk, lễ hội này được tổ chức 2 năm một lần vào tháng 3 dương lịch tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.Vì Buôn Đôn là cái nôi của việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, vì thế lễ hội thường được tổ chức ở đây.

Thời điểm này ở đây bắt đầu phát rãy trồng nương, mùa khô thời tiết khô ráo, thời tiết đẹp, người dân Bôn Đôn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Đâm trâu, văn hóa cồng chiêng, Cúng bến nước, Cúng sức khỏe cho voi,…., trong đó có lễ hội đua voi đặc sắc. Hội đua voi tuy chỉ diễn ra trong khoảng thời gian một ngày nhưng lại thu hút được sự chú ý, quan tâm của rất nhiều du khách.

Số lượng voi tham gia lên đến 20 – 30 con với các phần thi: Voi chạy tốc độ, Voi bơi vượt sông Sêrêpốk, Voi đá bóng, Voi kéo vật nặng,…Voi giành giải nhất sẽ được trao vòng tặng vòng nguyệt quế và được thưởng nhiều thức ăn ngon, những chú voi khác đều nhận được các phần thưởng của ban tổ chức là bó mía, hay nải chuối tươi ngon.

Lễ hội đua voi được tổ chức không chỉ là cuộc tranh tài của những chú voi dẻo dai khỏe mạnh; đọ sức lực, mưu trí của người điều khiển voi mà còn thể hiện tinh thần thượng võ và tài nghệ thuần dưỡng voi của đồng bào Tây Nguyên. Chắc chắn rằng đến du lịch Đăk Lăk và tham gia lễ hội đua voi sẽ là trải nghiệm vô cùng tuyệt vời của du khách.



Tin liên quan

công ty du lịch uy tín du lịch biển đảo hè 2019