Khám phá 6 lễ hội truyền thống trong tháng 12 của Nhật Bản
Tháng 12 là tháng bắt đầu mùa đông lạnh giá của Nhật Bản, nhưng đây cũng là khoảng thời gian được người Nhật rất mong đợi vì có rất nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trong tháng này. Từ các thành phố lớn như Tokyo, Kyoto,… đến các vùng quê xa xôi ở đây, đâu đâu cũng tràn ngập trong không khí tưng bừng, vui tươi của các lễ hội. Hãy cùng tìm hiểu xem đó là những lễ hội ở Nhật Bản nào nhé!
Xem thêm:
1. Lễ hội Hagoita-Ichi
Lễ hội Hagoita-Ichi được tổ chức vào giữa tháng 12 từ 17-19 tại chùa Asakusa Kanon ở Tokyo, lễ hội này bắt nguồn từ thời Edo và cho đến nay, đã trở thành một trong những sự kiện quan trọng nhất tháng 12 ở Tokyo.
Tại các gian hàng ở hội chợ, các bạn có thể đến ngắm những chiếc vợt gỗ được biến tấu thành nhiều hình dạng khác nhau, màu sắc sặc sỡ hoặc sắm sửa các đồ vật may mắn và đồ trang trí về chuẩn bị đón tết. Cũng có truyền thuyết cho rằng nếu cặp đôi nào có thể dắt tay nhau đi hết hội chợ thì sẽ bên nhau dài lâu.
2. Lễ hội Okera Mairi
Lễ hội Đốt lửa thiêng Okera Mairi là lễ hội truyền thống ngày Tết được tổ chức vào khoảng thời gian từ 7 giờ tối ngày 31 tháng 12 đến 5 giờ sáng ngày 1 tháng giêng, diễn ra tại đền Yasaka, Kyoto. Đây là một lễ hội quan trọng không chỉ của Kyoto mà của cả Nhật Bản. Những ngọn lửa cháy ở đền Yasaka đã tạo thành một truyền thống cho đêm giao thừa, bắt đầu một năm mới ở Kyoto. Theo truyền thống, người dân đến đền Yasaka mang đốm lửa tàn của cây “Okera” về nhà, dùng than hồng đó nấu Zoni – món canh truyền thống dùng trong năm mới của Nhật Bản, hoặc dùng để thắp sáng nến trên bàn thờ gia đình thì sẽ có một năm mới an lành, bình yên, hạnh phúc.
3. Lễ hội Ako Gishi-sai Ako
Hàng năm, cứ vào ngày 14 tháng 12 người dân khắp nước Nhật đều nô nức tham gia lễ hội truyền thống Ako Gishi-sai Ako. Lễ hội này được khởi xướng từ câu chuyện có thật trong lịch sử - câu chuyện hào hùng về 47 Roni (các Samurai thủ lĩnh) đã tự sát để thể hiện lòng trung thành với vị chủ tướng của mình. Lễ hội Ako Gishisai được tổ chức hoành tráng nhất tại đền Sengaku-ji, nơi có thi hài của 47 vị samurai này.
Đến tham dự lễ hội, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp với những bộ trang phục truyền thống bắt mắt của Nhật Bản mà còn là dịp để tiếp cận văn hóa Nhật Bản – những con người anh dũng, trung thành, tận tâm.4. Lễ hội Oga no Namahage
Lễ hội này được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm tại Akita, theo truyền thống, những người trẻ tuổi mặc lên mình những bộ quần áo bằng rơm, đeo mặt nạ quỷ đáng sợ. Những con quỷ này sẽ tìm đến các ngôi nhà để tìm những đứa trẻ không ngoan, không vâng lời bố mẹ, điều này làm những đứa trẻ thực sự sợ hãi. Khi những đứa trẻ khóc thét lên, bố mẹ chúng sẽ phải mang cho con quỷ rượu sake và snack để đảm bảo rằng các đứa trẻ đều ngoan ngoãn. Sau khi nhận được đồ, những con quỷ đó sẽ chúc cho chủ nhà một năm mới bình an, tốt lành và hứa sẽ quay trở lại vào năm mới.
5. Lễ hội đêm Chichibu Yomatsuri
Được tổ chức vào ngày 2 và 3 tháng 12 hàng năm, Chichibu Yomatsuri là một trong ba lễ hội rước kiệu lớn nhất Nhật Bản, là lễ hội của đền Chichibu ở thành phố Chichibu, tỉnh Saitama. Đến tham dự lễ hội, du khách hòa mình vào trong đám đông đúc, ngắm những cỗ kiệu được trang trí lộng lẫy, thưởng thức âm nhạc và ăn những món ăn truyền thống của lễ hội, uống rượu gạo ngọt. Những sự kiện chính của lễ hội đêm Chichibu sẽ diễn ra vào ngày 3/12, vào thời điểm này rất đông đúc người dân đến tham dự, các bạn nên đi sớm để có được chỗ ngồi xem tốt nhất.
6. Lễ hội Kasuga Wakamiya On-Matsuri
Từ ngày 15 đến 18 tháng 12 là khoảng thời gian diễn ra lễ hội Kasuga Wakamiya On-Matsuri, tổ chức tại Wakamiya-jinja Shrine, Nara. Lễ hội được khởi xướng từ thế kỷ 12, là dịp để người dân bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với các vị thần và cầu nguyện một mùa màng bội thu. Thời gian diễn ra lễ hội thu hút rất nhiều du khách từ mọi nơi trên khắp đất nước Nhật Bản và trên thế giới đến tham gia.
Ăn gì tại các lễ hội truyền thống Nhật Bản?
Đến Nhật Bản tham dự các lễ hội truyền thống, du khách đừng quên thưởng thức những món ăn đường phố nổi tiếng: món gà nướng xiên que Yakitori; bánh nướng với thịt bạch tuộc Takoyaki, kẹo bông gònWatame; mì soba chiên Yakisoba; bánh kếp tẩm gia vị của Nhật Okonomiyaki; mực nướng xiên que Ikayaki; chuối xiên que nhúng sô cô la và dâu Choco Banana; Bắp xiên que; caramen nướng Karumeyaki; gà chiên Karage; khoai tây nướng bơ Jaga Bata; cá tráp xiên que nướng muối Shioyaki; bánh cá Taiyaki; bánh crepe; bánh dẻo nướng Dango; kẹo táo Ringo Ame;… Thưởng thức những món ăn nóng hổi vừa làm tan đi cái lạnh của mùa đông vừa khiến chuyến trải nghiệm lễ hội truyền thống Nhật Bản thêm thú vị.
Những điều cần tránh khi đi du lịch Nhật Bản
Tham gia những lễ hội Nhật Bản trong không khí vui tươi, nhộn nhịp nhưng bạn không được quên những điều cần tránh sau đây, vì đó là những điều cấm kỵ của người Nhật:
- Không xả rác bừa bãi: không chỉ không được phép xả rác bừa bãi mà bạn phải bỏ rác vào các thùng rác được phân loại “rác cháy được” và “rác không cháy được”.
- Không hút thuốc ngoài trời: việc hút thuốc ngoài trời tại hầu hết các thành phố Nhật Bản có thể bị phạt lên tới 50.000 yên (8 triệu VNĐ). Nhất là tại chỗ đông người như các lễ hội thì hút thuốc được xem là hành vi không chấp nhận được.
- Không xì mũi nơi công cộng: thật không tốt chút nào nếu bạn xì mũi ở nơi công cộng, người Nhật rất ghét điều đó đặc biệt là việc xì mũi trước mặt họ.
- Không đưa tiền tip: văn hóa tip ở các nước phương Tây rất phổ biến, thịnh hành, nhưng tại Nhật Bản nó được coi là hành vi không đứng đắn hay sự xỉ nhục. Để bày tỏ sự hài lòng với người phục vụ, bạn có thể khen họ chứ tuyệt đối không được dùng tiền tip.
- Không xếp hàng: kể cả những lúc đông đúc và chật trội, người Nhật vẫn tuân thủ nguyên tắc xếp hàng một cách trật tự. Vì vậy khi đến Nhật Bản các bạn không nên chen chúc mà hãy xếp hàng và đợi đến lượt mình.
- Không chỉ tay vào người khác: chỉ tay vào người khác ở Nhật Bản được xem là thô lỗ, ngay cả việc dùng đũa để chỉ cũng vậy.
- Không ăn uống khi đang đi bộ: bạn chỉ có thể ăn uống khi đi bộ trong các lễ hội, còn ở ngoài đường rất dễ bị các cụ già khiển trách hoặc nhìn với ánh mắt thiếu thiện cảm. .
- Không nói quá to: Nói quá to sẽ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh, bạn nên tránh điều này khi đến Nhật.
- Không ngồi bắt chéo chân: thay vì ngồi bắt chéo chân, bạn hãy ngồi theo kiểu seiza (ngồi quỳ trên đầu gối), một cách ngồi truyền thống của người Nhật để có tư thế ngay ngắn.
- Không hoảng sợ trước những người đeo khẩu trang: ở Nhật, mọi người thường đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bị dị ứng hay cảm lạnh, lây bệnh sang những người khác và tránh ánh mắt soi mói của mọi người vào họ. Khi thấy đông đúc người Nhật trên đường đeo khẩu trang bạn hãy coi đó là bình thường và cũng nên chuẩn bị cho mình 1 chiếc khẩu trang khi ra ngoài.