5 Món ngon khi du lịch Nhật Bản mùa đông
Du lịch Nhật Bản vào mùa đông, bên cạnh việc ngắm tuyết trắng thơ mộng, tham gia các lễ hội mùa đông Nhật Bản, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn tuyệt ngon đặc trưng của đất nước mặt trời mọc. Cùng tìm hiểu 5 món ăn ngon nhất của Nhật Bản vào mùa đông nhé!
Xem thêm:
- Lẩu Nhật Bản
Mùa đông Nhật Bản rất lạnh nên những món ăn nóng hổi và giàu dinh dưỡng là không thể thiếu, đặc biệt là món lẩu. Ở Nhật Bản, người ta gọi chung các món lẩu là nabemono, tùy vào từng nguyên liệu sử dụng mà sẽ có tên riêng cho các món lẩu này. Các nguyên liệu được sử dụng nhiều nhất là: hàu, sò, các loại cá tuyết, cá hồi hoặc rùa, trong đó được sử dụng rộng rãi nhất là gà. Nabemono cũng có cách chế biến và hương vị riêng theo từng vùng miền. Nếu bạn đến Nhật Bản bạn chắc chắn sẽ nghe nhắc đến 2 món lẩu nổi tiếng nhất ở đây, đó chính là lẩu yosenabe và lẩu mizutaki. Với lẩu yosenabe các nguyên liệu của món lẩu sẽ được nấu cùng nhau trong 1 nồi và thường ăn kèm với nước tương miso. Còn mizutaki lại có nhiều nét tương đồng với nồi lẩu của Việt Nam khi các nguyên liệu: đậu phụ, gà, rau, thịt,… sẽ được bỏ vào nồi nước dùng (là loại nước dùng chế biến đơn giản được đun từ rong biển và cá bào) đang sôi, đợi khi nguyên liệu chín người ăn sẽ gắp ra và thưởng thức cùng với nước sốt ponzu.
Bên cạnh yosenabe và mizutaki, Nhật Bản còn có rất nhiều những nabemono đều rất ngon và hấp dẫn như ishikari-nabe - món lẩu gồm cá hồi nấu cùng củ cải Nhật, bắp cải, tỏi tây, hành tây, nấm đông cô và đậu hũ. Hay Motsunabe quận Fukuoka, thường được làm bằng thịt bò, thịt lợn, đậu và nội tạng, món lẩu này rất được ưa chuộng tại Nhật không chỉ vì sự thơm ngon mà còn vì giá rẻ bất ngờ của nó. Hoặc nếu đến huyện Kanto du khách hãy thử houtou-nabe có hương vị rất đặc biệt được nấu từ: bí đỏ, cải bắp Trung Quốc, cà rốt, khoai môn và mỳ houtou. Có thể nói đi khắp Nhật Bản đâu đâu du khách cũng tìm được món lẩu đặc trưng cho vùng miền đó.
- Oden Nhật Bản
Vào mùa đông các gia đình người Nhật thường nấu Oden, món ăn này hình thức khá giống với các món lẩu nhưng được chế biến bằng cách hầm các nguyên liệu: củ cải trắng, trứng gà, chả cá, bạch tuộc, đậu hũ, thạch konnyaku… và dùng với rượu sake. Món ăn truyền thống này cũng đa dạng hương vị tùy theo vùng miền và địa phương.
Nếu như ở vùng Tây Nhật Bản, Oden được chế biến với shoyu nhạt và loại nước dùng làm từ tảo biển konpu thì Oden ở phía Đông của Nhật Bản lại được chế biến với shoyu đậm, còn nước dùng lại được làm từ cá bào katsuo. Còn ở ranh giới giữa 2 khu vực Đông và Tây, người dân quận Nagoya lại thích Oden ninh mềm với vị miso. Để mua Oden, du khách có thể tìm đến các cửa hàng chuyên về Oden hoặc các quán rượu, quầy hàng ăn di động, và đừng quên uống thêm Sake để có thể thưởng thức Oden ngon đúng điệu.
- Mì Ramen
Mì Ramen Nhật Bản tuy có xuất xứ từ mì sợi Trung Quốc, nhưng với sự khác biệt từ sợi mì đến nước súp, chỉ cần thưởng thức một lần là nhớ ngay, Ramen Nhật Bản đặc trưng đến nỗi người ăn cho rằng đây mới là món ăn thuần túy xứ Phù Tang. Được thưởng thức bát mì Ramen nóng hổi giữa trời đông lạnh tuyết rơi sẽ là một trải nghiệm đáng nhớ khi du lịch Nhật Bản. Sợi mì Ramen được làm từ bột lúa mì, cho thêm ít nước, ít muối và đặc biệt không thể thiếu nước tro tàu, loại nước này có tác dụng làm cho sợi mì có độ dẻo, giòn, tạo ra hương vị và màu vàng đặc trưng cho mì Ramen. Sợi mì có thể được kéo thành dạng to, nhỏ, xoắn, thẳng, vuông, trơn, tùy theo đặc trưng của địa phương sản xuất.
Một trong những thứ không thể bỏ qua khi dùng món mì Ramen đó chính là nước súp. Loại nước súp này được chế biến rất cầu kì, kết hợp hài hòa từ Dashi và Tare. Dashi được nấu từ xương gà, xương heo, khô cá bào, tảo bẹ, cá mòi, hanh tây,… Tare là gia vị được thêm vào Dashi, gồm có Shino, Shoyu, Miso. Trong quá trình nấu, đầu bếp phải kheo léo lựa chọn hương vị Dashi sao cho phù hợp vơi Tare. 5 loại nước súp thích hợp cho từng loại mì Ramen là: Nước tương Nhật dùng với Shoyu, nước muối dùng với Shio, Nước tương đậu nành dùng cho Miso, nước xương và thịt heo dùng cho Tonkotsu, và nước súp hải sản dùng cùng Gyokai.
- Cháo rau Zosui
Cháo rau Zosui là món ăn không thể trong mùa đông Nhật Bản, món cháo này đặc biệt ở chỗ nước dùng để ninh cháo là nước lẩu và thêm vào nhiều nguyên liệu như nấm, hải sản, hoặc thịt gà và thành phần chính rất quan trọng là rau. Tên gọi Zosui bắt nguồn từ chính cách chế biến món này: trộn nhiều nguyên liệu nấu với nhau, Zosui dịch ra cũng có nghĩa như vậy. Thời gian trước đây, khi tình hình thực phẩm khan hiếm người Nhật mới dùng món ăn nay. Tuy nhiên, ngày nay món ăn này đã trở nên phổ biến được nhiều người yêu thích, dần dần đã trở thành món ăn truyền thống vào mùa đông của Nhật Bản.
- Khoai lang nướng
Khoai lang nướng hết sức bình dị và dân giã nhưng lại là món khoái khẩu của người Nhật trong tiết trời lạnh giá của mùa đông. Cái lạnh của gió và tuyết sẽ được làm ấm ngay khi cầm trên tay củ khoai lang nóng hổi nghi ngút khói và hương vị ngọt ngào. Người Nhật nướng khoai rất ngon, củ khoai được bọc trong lớp giấy bạc rồi nướng bằng lửa từ lá cây, nhờ cách này mà củ khoai khi tách đôi mang một mùi thơm ngào ngạt, kích thích vị giác. Khoai lang ở đây là khoai lang Nhật, có loại vàng và tím, tím củ thon dài, ruột giòn, thường nướng cả củ ăn không hoặc làm bánh mì mềm. Trong khi đó loại vàng đặc biệt "béo tròn", ruột ngon ngọt, bở, lại có màu rất đẹp nên được chuộng làm đồ ngọt hơn cả. Du khách có thể tìm đến các góc phố Nhật Bản, nơi có những chiếc xe bán khoai trên lò nướng than hồng rực. Du khách cũng có thể thưởng thức những món bánh khác làm từ khoai lang đều rất hấp dẫn và thơm ngon.
Những món ăn mang đậm hương vị truyền thống Nhật bản, nóng hổi, thơm ngon chắc chắn sẽ khiến chuyến du lịch xứ Phù Tang có những trải nghiệm thật tuyệt vời.